“Khủng hoảng” khi con nghiện game online (Bài cuối): Tình thương và trách nhiệm của cha mẹ

VHO- Trẻ nghiện game online có phần lớn do cha mẹ. Điều này có vẻ nghịch lý, nhưng đó lại là sự thật. Vậy nên, phụ huynh phải nắm bắt được những giai đoạn phát triển của con để đưa ra ứng xử cho phù hợp, theo hướng hãy làm bạn với con thay vì quát mắng, chửi bới…

“Khủng hoảng” khi con nghiện game online (Bài cuối): Tình thương và trách nhiệm của cha mẹ - Anh 1

 Cha mẹ cần quan tâm, chia sẻ, chơi với trẻ nhiều hơn thay vì để trẻ tự chơi với internet hay game

 5h30, loa báo thức vang lên, toàn bộ học sinh Trường Phổ thông IVS (Bắc Ninh) bật dậy, gấp gọn chăn màn, quần áo chỉnh tề để chuẩn bị cho một ngày mới. Từng nhóm bạn được phân công dọn phòng, dọn hành lang, cầu thang, nhà vệ sinh… sau đó đi ăn sáng và học văn hóa, thể thao.

Ở nơi không có điện thoại, internet

Thầy Nguyễn Như Hiệp, Trưởng ban quản sinh trường Phổ thông IVS - Bắc Ninh cho biết, hiện trường có khoảng 200 học sinh, mỗi giáo viên quản nhiệm 10 - 14 học sinh, sẽ cùng ăn, cùng ở, cùng ngủ với các con. Mới đầu, được bố mẹ đưa đến đây, hầu hết các con đều không hợp tác, đều trong tình trạng “cần internet, điện thoại hơn cần bố mẹ”.

Nếu như trước thời điểm dịch Covid-19, 70% là các con “nghiện”game thì từ năm 2022 nhiều con “nghiện” thêm loại hình khác trong đó có mạng xã hội, chat, “phim 18+”… Các con có thể dùng hàng chục giờ ngồi lì trong phòng để sử dụng internet, còn thời gian dành cho vệ sinh cá nhân, ăn uống thì không có, thậm chí không tự mình làm được. Nhiều năm gắn bó với học sinh “cá biệt”, thầy Hiệp nhớ nhất một trường hợp là em M.Q (quê Quảng Ninh). Sau khi phát hiện bố mẹ “lừa” đưa đi mua máy tính nhưng thực tế là đến trường thì mở vali lấy ra một cây bút và múa như đang nhập vai một chiến binh cầm kiếm. Cậu mở hộp đựng trà và vung ra như tung hoả mù trong game. Để cho M.Q “biểu diễn” một lúc thì thầy Hiệp hét lên, tiếng hét của một võ sư đầy uy lực khiến cậu bé như đang ngủ mê được đánh thức. Nhưng cậu vẫn chưa chịu, còn thách thầy “đánh nhau không?”. “Tôi đồng ý với điều kiện nếu thua phải ngoan ngoãn ở lại trường. Rồi hai thầy trò ra phòng võ thuật. Khi thấy mình thua cậu đành nói gọn lỏn “thua rồi. Ở lại”. Và cậu ở lại trường với tinh thần hợp tác, chăm chỉ”, thầy Hiệp chia sẻ.

Ngoài ra, có một số trường hợp cá biệt như phản đối bằng cách tự sát thương, lao đầu vào tường, hoặc bỏ ăn, không chịu vệ sinh…, nhưng bằng tình thương với học trò và tinh thần trách nhiệm, cùng với các bạn bè đến trước, các em đều được “thuần phục”, không còn “bất kham” như thời gian trước. Bí quyết thành công là các con được chia sẻ, tâm sự với những người bạn đến trước từng là “game thủ”, từng “dạt nhà” và thấy mình được đồng cảm. Khi các bạn cũ nắm bắt được tâm tư của các bạn mới thì thông tin cho thầy cô, từ đó có các biện pháp để quan tâm, chia sẻ với các con, được các con tin tưởng, sự yêu thương khi xa gia đình, bố mẹ.

Thầy Đặng Đức Bình, Hiệu phó Trường IVS (Thanh Oai, Hà Nội) cho hay, ở trong trường các con hoàn toàn không được sử dụng điện thoại, internet, mọi liên hệ với bố mẹ đều qua thầy cô quản nhiệm. Khi mới vào trường, sau 3 tháng mới được gặp bố mẹ, tuỳ vào sự tiến bộ của các con để giảm thời gian xuống 1 tháng hoặc 2 tháng. Không như các trường khác, các con không chuyển vào trường ồ ạt từ đầu năm học mà rải rác trong suốt năm học, thông thường đông nhất vào dịp hè và sau Tết Nguyên đán. “Tất cả các con vào trường, ngoài học văn hóa đều phải học môn thể thao bắt buộc là Vovinam giúp giải toả năng lượng và học hỏi tinh thần võ sĩ đạo là bênh vực, bảo vệ người yếu chứ không bắt nạt người khác”, thầy Bình cho hay. Phương pháp mà Trường IVS theo đuổi là lấy tập thể rèn cá nhân, khi một vài con mới vào trường ban đầu còn bỡ ngỡ, nhưng dần dần sẽ phải tuân thủ theo kỷ luật, giờ giấc như quân đội mà các anh chị, bạn bè thực hiện.

“Từ chỗ các con chỉ biết làm nũng, “dọa” bố mẹ thì giờ đây đã tự lo cho cá nhân, làm các công việc hằng ngày, và biết chung sống trong môi trường tập thể. Điều này sẽ giúp các con trưởng thành sau khi ra trường”, Phó Hiệu trưởng Trường IVS cho hay.

Quan tâm đến con như thế nào cho đúng?

Phụ huynh nhận ra con mình lạm dụng internet quá mức, có cuộc sống ảo với bạn bè ảo, nhưng nhiều người đang hoang mang, thậm chí “khủng hoảng” tinh thần, không biết bằng cách nào để cải thiện tình hình này. Không ít phụ huynh sử dụng những biện pháp cực đoan như bạo hành, đánh mắng, nhốt con… Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, những biện pháp đó chỉ khiến con mình đang cô đơn trở nên càng cô đơn hơn và thu mình lại, xa lánh bố mẹ.

Việc nghiện sử dụng internet, nghiện game… là hậu quả của một quá trình mất kết nối của cha mẹ với con cái. Bác sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Bách, Giám đốc Trung tâm Trị liệu tâm lý lâm sàng MP (Hà Nội) cho biết, chính những lời nói, hành động của bố mẹ hằng ngày được đứa trẻ tích lũy sau nhiều năm, và sau đó là cảm thấy xấu hổ, “vô tích sự”, chán ghét bản thân, bố mẹ, gia đình, anh em của mình. Chẳng hạn giai đoạn từ 3-6 tuổi là thời gian phát triển tư duy ngôn ngữ của trẻ, là giai đoạn trẻ hỏi rất nhiều, nhưng nhiều bố mẹ thấy con mình hỏi thì quát ầm lên “hỏi gì hỏi lắm thế”. Hoặc nhầm lẫn đây là giai đoạn phát triển tư duy nên cho con đi học từ sớm, chạy theo các trào lưu tiền tiểu học. Khi con mình không bằng các bạn thì lo lắng, mắng con hoặc ép con học tiếp. Thấy con chơi nhiều, không ăn uống thì đa phần cha mẹ mắng con không phải lo cho sức khoẻ của con mà lo ảnh hưởng đến học tập…

Từ 13-15 tuổi là giai đoạn đột biến trong phát triển tâm lý và định nghĩa cá nhân cũng như định nghĩa giới tính. Lúc này, trẻ coi cái “tôi” của mình là “khổng lồ” và muốn thể hiện nó, muốn trở thành một nhân thể sống và được tôn trọng trong gia đình. Trong khi đó, nhiều bố mẹ không hiểu thấu đáo, không có những phương pháp, kỹ năng cần có, sợ con đi vào con đường lầm lạc nên uốn nắn bằng cách mắng chửi, thậm chí xúc phạm khiến trẻ phản ứng, cãi cùn, đập phá đồ đạc, thậm chí có những hành vi cực kỳ tệ hại với bố mẹ. Trẻ cảm thấy cô đơn, không được bố mẹ tin tưởng, tôn trọng và lên mạng để giải khuây.

“Các nghiên cứu cho thấy, nhiều trẻ tìm đến internet như một phương tiện để trốn tránh và xoa dịu những cảm xúc tiêu cực như trầm cảm, lo âu, căng thẳng, hoặc cô đơn. Khi đó, hệ thống tưởng thưởng của não bộ tiết ra các chất như dopamine, gây ra cảm giác hưng phấn và thỏa mãn. Điều này dẫn đến việc người dùng muốn trải nghiệm cảm giác này nhiều lần hơn và dễ dàng dẫn đến nghiện. Đây chính là giai đoạn cha mẹ có thể “mất”con”, bác sĩ Bách chia sẻ. Do đó, các chuyên gia cho rằng, cha mẹ phải biết làm bạn với con, hạ độ tuổi của mình để trò chuyện, làm bạn với con như những người bạn bình đẳng, để con chia sẻ những câu chuyện với cha mẹ như nói chuyện với bạn bè.

Trước thực tế nhiều trẻ chơi game xuyên đêm tại các quán net, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết, hiện nay đã có công cụ để xử phạt những cơ sở vi phạm. Cụ thể, Nghị định 130/2021/NĐ- CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em nêu rõ tại Điều 36: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng khi không có công cụ kiểm soát thời gian, bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng lạm dụng, nghiện trò chơi điện tử. Trường hợp doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng có hành vi không áp dụng biện pháp, giải pháp hạn chế giờ chơi của trò chơi điện tử đối với trẻ em thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Tước quyền sử dụng giấy phép đối với hành vi vi phạm; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm…

Ngoài ra, tại Điều 30 quy định về cung cấp các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thông tin, truyền thông có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp dịch vụ internet và các dịch vụ khác có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em. Tuy nhiên, đến nay, việc thực thi còn nhiều hạn chế, chưa đủ sức răn đe do đó cần thúc đẩy sự vào cuộc của các lực lượng chức năng mạnh mẽ hơn nữa góp phần bảo vệ an toàn, đảm bảo sự phát triển toàn diện cho trẻ em. 

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc